Tin tứcBLOG TIN TỨC VÀ GÓC CHIA SẺ 06/01/2025
Opera House hay Nhà Hát Lớn Thành Phố ( Nhà hát Thành Phố ) là nhà hát đầu tiên của Sài Gòn – Nhà Hát Giao Hưởng – Nhạc, Vũ Kịch Thành Phố Hồ Chí Minh một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cũng là một biểu tưởng của Sài Gòn xưa và nay, nơi gợi nhớ dấu ấn về thời hòn ngọc viễn đông – Sài Gòn kinh đô của thuộc địa Pháp đầu thế kỷ 20.
Là một người con của Sài Gòn, nên việc bỏ lỡ khám phá nơi này quả là một điều thiếu sót. Cũng ráng rong ruổi một buổi thiệt lâu để khám phá xem những hoạt động ở đây, rồi ngắm nghía mọi góc nhìn về công trình kiến trúc này quả thật là ưng ý.
Bất kể bạn là người ưa thích tìm hiểu về văn hóa hay chỉ đơn giản là yêu thích những công trình kiến trúc đẹp, thì hãy cùng mình tìm hiểu xem công trình Nhà Hát Thành Phố có gì đặc sắc nhé, và nếu bạn có dịp đến với Sài Gòn thì nhớ ghé qua đây nha, nó cũng nằm ở ngay trung tâm thành phố, kế bên đường hoa nguyễn Huệ nên dễ tìm lắm…
Sau năm 1863 Pháp chiếm được thành Gia Định, người Pháp đã đưa đoàn hát đầu tiên từ chính quốc sang biểu diễn phục vụ cho quan chức, sĩ quan, binh lính Pháp tại Sài Gòn.
Bạn đầu các buổi biểu diễn được tổ chức tại nhà gỗ của thủy sư đề đốc La Grandière – Công trường Đồng Hồ (Place de l’Horloge) góc đường Nguyễn Du – Đồng Khởi hiện nay. Chủ yếu là múa balê và opera do chính quyền Sài Gòn tài trợ.
Tuy nhiên không gian chật hẹp đó không đáp ứng được nhu cầu giải trí tăng cao của người Pháp, chính quyền quyết định xây một Nhà Hát Lớn. Tuy nhiên chi phí cho việc này rất lớn, chưa xin được ngân sách từ chính quốc nên chính quyền Pháp ở Sài Gòn cho xây tạm một nhà hát nhỏ tại lô đất ở đường Catinat, bên cạnh vị trí dự định xây Nhà Hát Lớn (là vị trí khách sạn Caravelle sau này).
Mặc dù Opera House ( tên gọi xưa ) là công trình để phục vụ người Pháp nhưng công trình này lại không được chính người Pháp ở Sài Gòn ủng hộ, thậm chí rất nhiều ý kiến phản đối, vì cho rằng nhà hát tương đối nhỏ (chưa đầy 600 ghế) mà chi phí lại quá lớn, tiêu tốn tới 2.500.000 francs. Mặc dù vậy dự án vẫn được triển khai, vì ông thị trưởng Paul Blanchy cho rằng một thành phố lớn như Sài Gòn phải có nhà hát lớn dùng cho hoạt động văn hóa, xứng đáng với vị thế thành phố trung tâm của Nam Kỳ.
Đến năm 1898, khi đã có ngân sách thì Opera House mới bắt đầu được khởi công xây dựng.
Đầu năm 1900, nhà hát khánh thành và được dân chúng gọi là “rạp hát Tây” và là công trình do người Pháp xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn.
Mãi tới năm 1907, nhà hát này mới gây được uy tín. Các đoàn hát thường từ Pháp sang, ký hợp đồng trước với Dinh Đốc lý Sài Gòn theo chế độ khoán. Mỗi năm, nhà hát chỉ biểu diễn khoảng 6 tháng mùa khô, từ tháng 10 trở đi.
Đến năm 1918 chính quyền đã cho phép Opera House mở cửa cho cả người bản xứ. Đó là ngày 18-11-1918, lần đầu tiên người Việt Nam tổ chức biểu diễn tại Opera House với một màn trình diễn kịch pha cải lương. Nhưng ngay cả việc có thêm các chương trình của người Việt cũng không cứu vãn được sự vắng vẻ, vì “khách ăn chơi bị các hộp đêm, quán ăn có nhạc, có khiêu vũ giúp vui thu hút gần hết, còn một mớ khác lại thích cine, chớp bóng nói, vừa lạ vừa hấp dẫn hơn”.
Sau năm 1954, nhà hát được chuyển công năng thành tòa nhà Quốc hội, rồi Hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Nguồn: Phượt 3 miền .com